ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Nhận được thư khôn ngăn mừng rỡ. Tôn phu nhân đời trước có đại thiện căn, nên được các hạ uyển chuyển giúp thành Tịnh nghiệp, hỗ trợ vãng sanh. Lại còn suất lãnh con trai, con gái, dâu v.v… niệm Phật dài lâu, há chẳng riêng gì người mất được lợi, mà quả thật cũng khiến cho những người kia gieo thiện căn sâu xa. Lập pháp như thế có thể nói là đại từ, so với người đời vẫn giữ chuyện sát sanh nên bị chiết phước tổn thọ, khiến người mất bị lụy chốn u đồ; há có thể sánh kể được ư? Chuyện của tôn phu nhân có thể nói là đúng pháp, nhưng thái phu nhân tuổi đã tám mươi ba, hãy nên thường khuyên dụ, khiến cho cụ tín nguyện niệm Phật. Nếu muốn cho cụ suốt ngày niệm Phật, e rằng chẳng thể làm như thế được. Trước đây tôi đã từng muốn lập cách để trợ niệm ngay khi còn sống, nhưng nghĩ chưa ra. Khi trấn thủ sứ Vương Duyệt Sơn đưa mẹ lên núi, thấy quyến thuộc đông đảo, nhân đấy tìm được một cách trợ niệm tuyệt diệu; tôi đã từng nói đại lược cùng ông ta, nay cũng đem những lời đã bảo cùng ông ta kể với các hạ. Nếu các hạ thực hành được thì ông ta cũng chẳng đến nỗi coi thường bỏ xó, cũng là đạo tự lợi, lợi tha vậy! Trong quyến thuộc của các hạ thì các ông con trai ai nấy đều có công việc làm, cố nhiên khó thể thường xuyên hành theo được, nhưng bọn con dâu thì vô sự rảnh rỗi, bọn tớ gái như các bà vú v.v… cũng không có chuyện gì quan trọng, nên dạy bọn họ căn theo đồng hồ, suốt ngày ở bên cạnh thái phu nhân, lớn tiếng niệm Phật nửa tiếng đồng hồ. Hết giờ lại đổi phiên, suốt ngày không ngớt tiếng niệm Phật. Thái phu nhân có thể niệm theo thì cũng tốt, nếu chẳng thể niệm theo thì hãy bảo cụ nhiếp tâm lắng nghe, trong một ngày sẽ thường chẳng rời Phật. Mà những người kia cũng không mất sức, do trong một ngày, bất quá chỉ niệm một lần, hoặc hai lần, thời gian cách quãng cũng lâu. Bọn họ không có sự gì để phải chăm lo, nhờ vào việc này để tận lòng hiếu kính, gieo căn lành. Bọn tớ gái cũng nhờ vào nhân này gieo duyên thoát ly sanh tử. Từ đây trở đi, lấy đó làm thường, dẫu cho thái phu nhân sống rất thọ, cũng chớ để cách này bị thiếu sót giữa chừng, lợi ích sẽ chẳng thể nghĩ bàn. Phàm những ai có tín tâm muốn thành tựu đạo nghiệp vãng sanh cho cha mẹ, đều nên đem lời này bảo cùng họ. Các hạ việc nước đa đoan, chẳng thể lập giờ giấc nhất định. Nếu có rảnh rỗi cũng nên niệm như thế một lần để làm gương thì con, dâu, tớ gái v.v... cũng sẽ hớn hở, hoan hỷ. Ý Quang cho rằng hành như thế quả thật là thuận tiện, ích lợi, nên đem cách này viết thành một bài, in kèm vào sau bộ Ấn Quang Văn Sao để những người muốn báo ân phụ mẫu chẳng đến nỗi uổng công ngâm câu “hạo thiên võng cực”[55]! Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Quyển thứ hai (Phần 2 hết) [1] Lệnh hữu: Tiếng gọi tỏ vẻ trân trọng bạn người khác. [2] Tức Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân soạn vào đời Minh, một loại bách khoa tự điển về dược tánh của các cây cỏ, vật liệu dùng làm thuốc. Mạch Quyết là những sách dạy bắt mạch để chẩn đoán bệnh tật. [3] Theo Đông Y, kinh lạc là đường tuần hành khí huyết đi nuôi dưỡng toàn thân, duy trì mọi hoạt động sinh lý của cơ thể, chống ngoại tà, bảo vệ cơ thể. Kinh là đường đi theo chiều dọc, Lạc là đường đi theo chiều ngang. Đông Y cho rằng cơ thể gồm 12 kinh chính, 12 biệt kinh, 15 kinh lạc, 8 mạch v.v… [4] Tên hai thanh gươm báu thời Chiến Quốc, tương truyền do Can Tương đúc ra. Hùng kiếm gọi là Can Tương, thư kiếm là Mạc Da (hoặc Mạc Tà). Theo truyền thuyết, Can Tương nấu đồng sắt cả tháng không chảy, vợ là Mạc Da bèn tắm gội sạch sẽ, nhảy vào lò nấu sắt, sắt bèn chảy tan ra. Nhờ đó, Can Tương đúc được hai thanh kiếm báu chém sắt như chém bùn. [5] Tịnh Độ Văn chính là Long Thư Tịnh Độ Văn, tác phẩm của ông Vương Nhật Hưu. Tây Quy Trực Chỉ là sách của ông Châu Mộng Nhan, được in trong bộ An Sĩ Toàn Thư. [6] Tức là lộ, điển, mộng, huyễn, bào, ảnh (sương đọng, ánh chớp, mộng, huyễn, bọt nước, hình bóng). [7] Tam Hoặc: Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. [8] Nhị tử: Phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử. [9] Chàng Diễn Nhã trong kinh Lăng Nghiêm soi gương thấy đầu mình đâm ra hoảng sợ phát cuồng. Còn châu trong vạt áo là ví dụ trong kinh Pháp Hoa (phẩm thứ 8). Ví dụ này do năm trăm vị La Hán đã nói sau khi được Phật thọ ký: Gã nghèo đến chơi nhà bạn, ngủ say, bạn buộc châu vô giá vào trong áo để giúp cho khỏi bị đói nghèo, nhưng gã không biết, thân mang vật quý vô giá, nhưng vẫn phải làm thuê làm mướn vất vả kiếm sống. [10] Tịnh Độ Quyết Nghi Luận là một bài viết về Tịnh Độ của tổ Ấn Quang, được in trong cuốn 2 của bộ Ấn Quang Văn Sao này. Tổ mượn lời Mộ Liên pháp sư ở núi Hồng Loa bàn định về giới hạn giữa Thiền và Tịnh. [11] Đề trì: phương pháp của vị thầy trong nhà Thiền dùng để hướng dẫn học trò, tức là nhằm tiếp độ hàng hậu học, thầy bèn dùng những cử chỉ, hành vi, lời nói để phá sạch những kiến giải, Ngã Kiến sẵn có của trò, chỉ cho đường nẻo hướng thượng. [12] Quyết trạch (nairvedhika): Nói đầy đủ là “quyết đoán giản trạch”, tức là dùng Vô Lậu Thánh Trí để đoạn trừ dứt khoát (quyết đoán) các mối nghi, phân biệt chọn lựa (giản trạch) những gì phù hợp với Tứ Đế. [13] Tức ngài Khiết Tung đời Tống. Sư là người Đàm Tân, Đằng Châu (nay là huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây), thông suốt các nội ngoại điển tịch, có tài trước thuật. Năm Gia Hựu thứ 7 (1062) đời Tống Nhân Tông, Sư soạn bộ Truyền Pháp Chánh Tông Ký. Phụ Giáo Thiên v.v… được nhập tạng, nên được vua ban hiệu là Minh Giáo Đại Sư. [14] Tác phẩm gồm bốn quyển, do ngài Lâu Dĩnh triều Đường biên tập kể về hành trạng của Phó Ông (497-569). Bộ sách này còn có tên là Thiện Huệ Đại Sĩ Ngữ Lục, hoặc Thiện Huệ Đại Sĩ Lục, được xếp vào tập 120 của Vạn Tự Tục Tạng Kinh. Nội dung gồm những pháp ngữ, hành trạng và thi ca do Phó Ông sáng tác, cũng như những lời vấn đáp về đạo giữa người tham học và Phó Ông. Nguyên tác phẩm này gồm tám quyển, đến đời năm Thiệu Hưng 13 (1143) đời Tống, Lâu Chiểu san định, lược bỏ những chỗ rườm rà, sai sót, thâu gọn thành bốn quyển. Phó Ông (497-569) là một vị tôn túc trong Thiền Tông đời Lương Nam Triều, người huyện Đông Dương (nay thuộc Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang), tự là Huyền Phong, hiệu là Thiện Huệ. Còn được gọi là Thiện Huệ đại sĩ, Ngư Hành đại sĩ, Phó đại sĩ, Đông Dương đại sĩ v.v… Cùng với ngài Bảo Chí, được đời xưng tụng là “hai vị đại sĩ đời Lương” (Lương đại nhị đại sĩ). Ngài thường cùng người bắt cá, mỗi khi bắt cá bèn bỏ vào giỏ tre, nhúng xuống chỗ nước sâu, bảo: “Muốn đi thì đi, muốn ở thì ở”.Người khi ấy cho Ngài là kẻ ngu. Năm mười sáu tuổi, lấy bà Lưu Diệu Quang, sanh được hai con là Phổ Kiến, Phổ Thành. Năm hai mươi bốn tuổi, đang bắt cá bên sông, chợt gặp Hồ Tăng Tung đầu đà (tức tổ Đạt Ma) bèn vứt bỏ đồ bắt cá, vào dựng am ở Tùng Sơn thuộc huyện Ô Thương, tự xưng là Song Lâm Thụ Hạ Đương Lai Giải Thoát Thiện Huệ Đại Sĩ, tự cho biết mình từ trời Đâu Suất xuống giảng kinh thuyết pháp. Ban ngày làm lụng, ban đêm kinh hành, khổ hạnh bảy năm, tự bảo đã đắc Thủ Lăng Nghiêm Định, người theo về học đông dần. Năm Đại Thông thứ sáu (534), đời Lương Võ Đế, ông sai đệ tử dâng lên vua ba thiên sách. Tháng 12 nhuận năm ấy, vua truyền nhập cung, giảng kinh tại Trùng Vân Điện, vua đích thân đến nghe. Mọi người thấy vua đến đều đứng lên, riêng Ngài ngồi im bất động. Quần thần bắt bẻ, Ngài đáp: “Pháp địa nếu động, hết thảy bất an”.Tháng Tư năm Đại Đồng nguyên niên (535) lại trở về Tung Sơn. Năm Đại Đồng thứ năm, lại vào Thọ Quang Điện giảng Chân Đế cho vua nghe, dâng bài kệ. Năm Đại Đồng thứ sáu, ngài dựng điện Phật tại Tùng Sơn, xây tháp gạch chín tầng, chép kinh luật hơn ngàn quyển. Năm Đại Đồng thứ bảy, tự xưng là một trong ngàn vị Phật ở Hiền Kiếp. Năm Thái Thanh thứ hai (549) muốn thiêu thân cúng dường Tam Bảo, đệ tử van nài, có đến 19 người xin thiêu thân thế thầy, Ngài bèn thôi. Đồ chúng tại gia của Phó Ông rất đông, Ngài thường hay suất lãnh đồ chúng thiêu ngón tay đốt cánh tay cúng dường Phật, tổ chức pháp hội tụng Pháp Hoa hai mươi mốt lần, nhiều lần tổ chức Vô Giá Hội. Ngoài ra, Ngài còn có chỗ phát huy độc đáo về giáo thuyết Nhất Tâm Tam Quán của tông Thiên Thai, đề xướng thuyết Tam Quán Nhất Tâm Tứ Vận. Tháng Tư năm Thái Kiến nguyên niên (569) đời Trần, dặn dò đệ tử xong, Ngài ngồi kiết già tịch diệt. Đệ tử làm lễ trà-tỳ trên đảnh núi Song Lâm, đặt hiệu cho thầy là Di Lặc Hạ Sanh. Những trước tác của Ngài gồm có Vương Tâm Minh, Ngữ Lục bốn quyển, Hoàn Nguyên Thi v.v… [15] Hộ Pháp Lục gồm mười quyển, đo ngài Tống Liêm soạn vào đời Minh, Tiền Ích Khiêm giảo đính. Tống Liêm đã từng đọc hết Đại Tạng Kinh ba lần, là một bậc thâm nho đa văn. Tác phẩm này bao gồm những bài nói về hộ trì Tam Bảo trích từ cuốn Kim Hoa Văn Tập của chính ông, kèm thêm những bài minh, bài bia, bài ký, bài tựa, cáo, tán, tụng, kệ, thuyết, đề bạt do ông ta soạn. [16] Tác phẩm gồm hai quyển do ngài Đàm Loan thời Bắc Ngụy soạn, nhằm chú giải bộ Vãng Sanh Luận của ngài Thế Thân soạn. Bộ luận này nguyên mang tên là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ. [17] Lệnh nội: Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng vợ người khác. [18] Tức cuốn Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Tiện Mông Sao của Đạt Mặc pháp sư (chỉ biết Sư có hiệu là Mộ Liên, chưa rõ sự tích). Tác phẩm này nhằm chú giải đại lược cuốn A Di Đà Kinh Yếu Giải của tổ Ngẫu Ích. Tác phẩm này nằm trong Vạn Tục Tạng, mang số thứ tự 875, tập 91. [19] Thường Tàm (thường hổ thẹn) là một biệt hiệu khác của Tổ Ấn Quang. [20] Lệnh ái: Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng con gái người khác. [21] Quý trạch: danh xưng hoa mỹ để chỉ nhà của người khác. [22] Nguyên văn là “kháp đầu bố” (vải để rập đầu). Đây chính là loại vải dùng để bọc những cái tọa ỷ để người ta quỳ làm lễ, hay những cái đệm để áp đầu vào khi làm lễ. [23] Đương gia: người lãnh trách nhiệm quản trị sự vụ chánh yếu trong một gia đình. Trong tùng lâm có thể hiểu là vị Tăng đảm lãnh trách nhiệm trị sự trong chùa. Chùa ở trên núi chia làm nhiều khu vực nên mới có thượng viện, hạ viện. [24] Đốc quân: Cấp chỉ huy quân sự cao nhất của một tỉnh sau cách mạng Tân Hợi (1911) trước khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập. [25] Tỉnh Thiểm Tây là lãnh thổ nước Tần thời Xuân Thu Chiến Quốc nên người ta thường quen gọi Thiểm Tây là Tần. [26] Bất tiếu: kẻ không xứng đáng, không nối nghiệp tổ tiên được, không xứng với ông bà cha mẹ, trò không xứng với thầy thì gọi là “bất tiếu”. [27] Sau Cách Mạng Tân Hợi (1911), Trung Hoa rơi vào tình trạng nội chiến, các tướng lãnh quân phiệt thừa cơ nổi lên thống trị từng địa phương, đánh nhau lung tung để giành quyền lực. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc phải phái quân đi dẹp các sứ quân, đội quân ấy mang tên là Tĩnh Quốc. Do chính quyền Dân Quốc lúc đó đóng đô ở Nam Kinh nên quân đội chính phủ còn được gọi là Nam Quân. [28] Hy Hoàng: Hy là Phục Hy, Hoàng là Hoàng Đế, hai vị thánh quân của Trung Hoa thời cổ, tương truyền thời ấy là thời thái bình thịnh trị, con người đều là thánh hiền. Sử gọi là thời Hoàng Kim. [29] Kháng Long Hữu Hối: Kháng Long Hữu Hối là phần Tiểu Tượng Truyện (giải thích ý nghĩa hình tượng từng vạch trong mỗi quẻ). Tượng “Kháng Long Hữu Hối” chỉ vạch thứ sáu trong quẻ Thuần Càn (gồm sáu hào Dương), cụ Nguyễn Hiến Lê giảng: “Rồng lên cao quá, có hối hận. Hào Dương này ở trên cao của quẻ, cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động sẽ có điều đáng tiếc, vì lẽ thịnh quá ắt suy, đầy thì không được lâu”. [30] Ba cuốn Phật Học Khởi Tín Thiên, Phật Học Chỉ Nam, Lục Đạo Luân Hồi Lục là tác phẩm của ông Đinh Phước Bảo. Trong Ấn Quang Văn Sao quyển 3, Tổ có viết lời tựa cho ba tác phẩm này. [31] Dũng Giang là một con sông lớn thuộc tỉnh Chiết Giang, chảy qua thành phố Ninh Ba. [32] Phê sương (đôi khi còn gọi là tỳ sương) là chất độc, tức chất arsenic, còn gọi là Thạch Tín hoặc Nhân Ngôn. Trầm độc là chất độc của con chim Trầm (hoặc còn đọc là Trấm), một loài chim rất độc theo truyền thuyết, tương truyền một cái lông của nó rớt xuống sẽ làm chết sạch cả hồ cá. [33] Ông Vương Hoằng Nguyện người Triều An, Quảng Đông, là người đi tiên phong trong việc phục hưng Đông Mật tại Trung Hoa. Ông từng theo học Mật Tông với Quyền Điền Lôi Phủ suốt 13 năm, được truyền pháp Quán Đảnh. Về sau ông truyền quán đảnh cho người khác ở chùa Lục Dung tại Quảng Châu, chủ trương cư sĩ có thể làm A Xà Lê, chấp nhận các tỳ-kheo thọ pháp đảnh lễ mình, khiến cho các vị Thái Hư, Mạn Thù Yết Đế v.v… công kích, tạo thành đầu mối tranh luận gay gắt giữa Hiển Giáo và Mật Giáo. [34] Mật Giáo Cương Yếu là tác phẩm nhập môn Mật Giáo gồm bốn quyển của ông Quyền Điền Lôi Phủ người Nhật biên soạn, Vương Hoằng Nguyện dịch cuốn này ra tiếng Hán vào năm 1918. Nội dung trình bày sự phát triển của Mật giáo tại Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, trình bày những giáo nghĩa, cách thức tác pháp tu trì theo truyền thống Đông Mật (gọi là Đông Mật để phân biệt với truyền thống Mật Giáo của Tây Tạng). [35] Tương tức: Pháp này chính là pháp kia, như thường nói “một tức là nhiều, nhiều tức là một”. [36] Nguyên văn là “từ lục đảm bản, chỉ kiến nhất biên”(kẻ đi vác gỗ, chỉ thấy được một bên). Đảm Bản Hán nguyên là những người công nhân chuyên vác các tấm gỗ, phiến gỗ. Do khiêng nặng và cồng kềng họ chỉ có thể nhìn về đằng trước, không thể ngó xung quanh. Thiền lâm dùng thuật ngữ “đảm bản hán”để chỉ kẻ thiên chấp, chẳng dung thông toàn thể. [37] Đại Thừa Khởi Tín Luận Liệt Võng Sớ (còn gọi là Khởi Tín Luận Liệt Võng Sớ, hoặc Liệt Võng Sớ) gồm sáu quyển, là tác phẩm của ngài Ngẫu Ích Trí Húc, được xếp vào quyển 44 trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Đây là tác phẩm chú giải cuốn Khởi Tín Luận (bản dịch của ngài Thật Xoa Nan Đà). Tổ Ngẫu Ích đặt tên bản chú giải này là Liệt Võng (xé rách lưới) với ngụ ý phá trừ lưới rập kiến giải sai biệt giữa hai tông Pháp Tướng và Pháp Tánh. Trong luận này, Tổ đã dùng giáo nghĩa Viên Giáo để phối hợp nhất tâm với chúng sanh, nêu lên vọng tâm trong quán cảnh của Viên Giáo. [38] Tức ngài Huệ Tư, thầy của tổ Trí Khải. [39] Là những địa vị trước khi đạt đến địa vị Kiến Đạo. Theo Thành Thật Luận, tu hành Phật đạo chưa thấy được chánh lý thì gọi là “phàm phu”. Có trí giải tương tự đối với Chánh Lý thì gọi là “nội phàm”, chưa phát được tương tự trí giải thì gọi là “ngoại phàm”. Trong Tiểu Thừa, ba địa vị Ngũ Đình Tâm, Biệt Tướng Niệm Xứ, Tổng Tướng Niệm Xứ là “ngoại phàm”; bốn địa vị thiện căn Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất là “nội phàm”. Trong Đại Thừa, Thập Tín Phục Nhẫn là “ngoại phàm”, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng là “nội phàm”; những địa vị này còn gọi là Địa Tiền Bồ Tát. [40] Tức Kim Luân Bảo (bánh xe bằng vàng) của Chuyển Luân Thánh Vương, Luân Vương ngự trên luân bảo này bay đi khắp bốn bộ châu. [41] Bốn đại bộ châu là Nam Thiệm Bộ Châu (Diêm Phù Đề), Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu và Đông Thắng Thần Châu. Bốn châu này ở quanh núi Tu Di. [42] Thời Phật còn tại thế, có một đứa trẻ thấy Phật hoan hỷ, kính quý, bèn dâng một vốc cát lên Phật để cúng dường. [43] Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta), vị tổ thứ tư của Thiền Tông Ấn Độ, tên Ngài còn được phiên âm là Ưu Ba Cấp Đa, Ưu Ba Quật Đa, Ô Ba Quật Đa, Ưu Ba Cúc Đề, Ưu Ba Cúc, Ưu Ba Quật, hoặc gọi tắt là Quật Đa, dịch sang tiếng Hán là Đại Hộ, Cận Tạng, Cận Hộ. Ngài là người xứ Mathura, Ấn Độ, là một trong những vị thầy nổi danh của vua A Dục (Asoka). Ngài là người nổi tiếng thông minh, từ mẫn. Ngài được vị tổ thứ ba là ngài Thương Na Hòa Tu dạy phép quán: “Nếu khởi ác tâm, bèn quán tướng có một viên đá đen ở bên trái, nếu khởi thiện tâm, quán một viên đá trắng bên phải”.Ngài bèn nhiếp tâm quán niệm. Thoạt đầu đá đen rất nhiều, quán đến ngày thứ bảy, chỉ thấy tướng đá trắng. Tổ Thương Na Hòa Tu bèn thuyết pháp Tứ Đế, ngay khi đó, tổ Ưu Ba Cúc Đa bèn chứng quả Tu Đà Hoàn. Ngài lần lượt quán các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, chứng lần lượt từ Nhị Quả đến quả A Na Hàm. Khi xuất gia thọ Cụ Túc Giới bèn chứng A La Hán Quả. Ngài trụ tại núi Ưu Lưu Mạn Trà ở nước Mathura thuyết pháp. Đồ chúng đông đến một vạn tám ngàn người. Ngài từng thuyết pháp cho vua nước Hoa Thị, chỉ bày các dấu tích cũ của Phật, dựng tháp cúng dường Phật và các đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan v.v… Số tháp dựng nhiều đến tám vạn bốn ngàn cái. Theo các nhà nghiên cứu hiện thời, tôn giả Mục Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta-tissa), thầy của vua A Dục, rất có thể chính là tôn giả Ưu Ba Cúc Đa, bởi lẽ danh hiệu Mục Liên Tử Đế Tu chính là ghép tên của ngài Mục Liên và họ của ngài Xá Lợi Phất. Theo truyện ký, ngài Ưu Ba Cúc Đa trí huệ như Xá Lợi Phất, thần thông như Mục Liên, nên rất có thể cổ nhân dùng danh xưng Mục Liên Tử Đế Tu để xưng dương tổ Ưu Ba Cúc Đa. [44] Công Quá Cách là một bộ thiện thư Đạo giáo, không rõ xuất hiện vào thời nào, thường được coi là của Phù Hựu Đế Quân giáng cơ, có thuyết nói là Thái Vi Tiên Quân giáng cơ. Bản Công Quá Cách hoàn chỉnh cổ nhất mang tựa đề Thái Vi Tiên Quân Công Quá Cách được chép năm 1171. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, có rất nhiều dị bản Công Quá Cách khác nhau được lưu hành. Do nội dung khuyến thiện tích cực của nó, Công Quá Cách được Phật giáo Trung Hoa đón nhận nồng nhiệt và đề xướng. Người tích cực nhất chính là tổ Vân Thê Liên Trì, cuốn Tự Tri Lục của Ngài được viết theo tinh thần Công Quá Cách. Hiện nay bản được phổ biến nhất là bản đầu đời Thanh mang tựa đề Thái Vi Tiên Quân Lữ Thuần Dương Tổ Sư Công Quá Cách. Công là những điều thiện, Quá là những chuyện ác. Ghi chép lại như nhật ký để tự sửa đổi nên gọi là Cách. [45] Thai độc: các bệnh truyền nhiễm từ người mẹ lây sang con trong khi mang thai. Đậu chẩn: các loại sởi, ban đỏ, thủy đậu v.v… [46] Lễ Ký là một bộ cổ thư ghi chép những nguyên lý về lễ nghi, ứng xử thời cổ. Tác phẩm này là công trình ghi chép, san định của các môn đệ của Khổng Tử và các học giả đời sau. Thoạt đầu, bộ sách này gồm 214 thiên. Về sau, Đới Đức san định, rút gọn thành 855 thiên, tục gọi là Đại Đới Ký. Về sau, Đới Thánh đời Hán lại chỉnh lý lần nữa, rút gọn thành 49 thiên, tục gọi là Tiểu Đới Ký. Lễ Ký thông dụng hiện thời chính là Tiểu Đới Ký. Nguyệt Lệnh là một thiên sách trong Lễ Ký, ghi chép những chánh lệnh trong 12 tháng. Chánh lệnh là những quy định, lễ nghi phải tuân thủ theo quan điểm cổ nhân. [47] Ngũ quan: Theo tự điển Từ Hải, Ngũ Quan có hai cách hiểu: 1. Tai, mắt, mũi, miệng, tim. 2. Tai, mắt, mũi, miệng, da. [48] Phạm Trọng Yêm (989 - 1052), người đời Tống, tự là Hy Văn, mồ côi cha từ năm hai tuổi, nhà nghèo nên mẹ phải tái giá. Lớn lên một chút, bèn bỏ nhà ở nhờ ngôi chùa trong làng, dốc sức học hành. Sau đỗ Tiến Sĩ, giữ chức Giảo Lý trong Bí Thư Các. Thường khảng khái luận chuyện thiên hạ, sĩ phu đương thời rất kính trọng. Ông làm tướng thời Tống Nhân Tông, trấn thủ tỉnh Thiểm Tây, phòng ngự quân Tây Hạ, giặc chẳng dám xâm phạm. Sau bị sàm báng, bị truất làm Thị Lang bộ Hộ. Ông mất năm Hoàng Hựu thứ tư, hưởng thọ sáu mươi bốn tuổi, được truy tặng chức Binh Bộ Thượng Thư, đặt thụy hiệu là Văn Chánh (do vậy, tổ Ấn Quang thường gọi ông là Văn Chánh Công). Trọng Yêm nghiêm trì giới luật, khắc khổ tinh chuyên. Dù làm quan lớn, thích thân cận cao tăng, tham cứu Thiền pháp, thích làm lành, bố thí, tạo nghĩa điền (ruộng nghĩa) nuôi người nghèo. Ngày ông mất, tiếng than khóc khôn xiết kể, dân chúng khóc như mất cha mẹ vậy. [49] Lệnh tức: Tiếng gọi con dâu người khác một cách kính trọng. [50] Xin coi bài “Sự tích vãng sanh của ưu-bà-di Trần Liễu Thường và nêu tỏ ý nghĩa ẩn kín của Phật Tánh” trong quyển 4 [51] Còn gọi là Thủy Lục Trai, Thủy Lục Đạo Tràng, Bi Trai Hội. Đây là pháp hội thí thực cho tất cả hữu tình sống trong nước (thủy) trên đất liền (lục) và các loài ngạ quỷ. Nguyên khởi do Lương Võ Đế (Tiêu Diễn) mộng thấy có vị Tăng dạy lập đàn Thủy Lục, cúng thí cho lục đạo tứ sanh. Vua bèn ra lệnh cho biên tập khoa nghi từ các kinh điển, dựa theo chuyện A Nan gặp Diện Nhiên ngạ quỷ (quỷ mặt bốc lửa cháy bừng bừng), được Phật dạy tạo Bình Đẳng Hộc để thí cho ngạ quỷ, soạn ra khoa nghi, tu Thủy Lục Trai Hội tại chùa Kim Sơn khoảng năm 504. Khoa nghi này được các đời sau bổ sung chi tiết hơn [52] Lệnh từ: tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng mẹ người khác. [53] Diệm Khẩu: Pháp sự nhằm thí thực cho ngạ quỷ căn cứ trên Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh. Pháp hội này lấy ngạ quỷ làm đối tượng chủ yếu để cúng thí, thường được cử hành nhằm hồi hướng công đức cầu siêu cho người đã khuất. Pháp cúng căn bản của Diệm Khẩu là cúng nước sạch, cùng một chút thức ăn như cơm, mì, bánh trái v.v.. tụng chú Biến Thực, chú Cam Lộ Thủy mỗi thứ bảy biến, xưng danh hiệu các vị Phật Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Ly Bố Úy v.v.. rồi đổ vào chỗ đất sạch. Về sau, những nghi thức Diệm Khẩu thêm vào các khoa phức tạp hơn như thăng tòa, nhập định, sái tịnh, quy y, đạo tràng quán, hiến Mạn Đà La v.v… Theo Mật điển, khoa nghi này không được cử hành kéo dài quá 11 giờ đêm vì sau giờ đó, các ngạ quỷ không ăn được nữa. Bản kinh Diệm Khẩu được dịch sớm nhất ở Trung Hoa bởi ngài Thật Xoa Nan Đà (tức kinh Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni và Cam Lộ Đà La Ni) vào đời Đường. Về sau, ngài Bất Không Tam Tạng dịch thêm Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh. Đến đời Tống, do nhận thấy chư sư thực hành khoa này chưa đúng cách nên ngài Tuân Thức bèn soạn lại nghi thức, ngoài các mật chú, còn thêm phương pháp quán tưởng của tông Thiên Thai, chia pháp thí thực thành ba loại: Hộc Liệu, Minh Đạo và Thủy Lục. Hộc Liệu chính là Du Già Diệm Khẩu, Minh Đạo chính là đại trai Vô Giá thí thực cho người cõi âm. Thế nhưng vẫn có vị như Tông Hiểu chủ trương thí chung tất cả như thí Khoáng Dã Quỷ Thần, Quỷ Tử Mẫu v.v… Đến đời Nguyên, do ảnh hưởng của Mật Giáo, nghi thức Du Già Diệm Khẩu của Tây Tạng được truyền vào Trung Hoa. Nghi thức này cũng hơi giống với khoa nghi Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh do ngài Bất Không dịch, nhưng thêm các phần Tam Quy, Đại Luân Minh Vương Thần Chú, Chuyển Pháp Luân Bồ Tát Chú, danh hiệu 35 vị Phật, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kệ, nhập Quán Âm định, Phá Địa Ngục chân ngôn, phần sau lại thêm những chú như Tôn Thắng Chân Ngôn, Kim Cang Tát Đỏa Bách Tự Chú v.v… Đến đời Minh, do các khoa nghi Diệm Khẩu truyền thừa bất nhất, trở thành mạnh ai nấy làm theo cách mình, nên ngài Thiên Cơ bèn san định lại, lược bỏ những chỗ rườm rà, soạn thành Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, khoa nghi này được gọi là Thiên Cơ Diệm Khẩu. Tổ Vân Thê Liên Trì của Tịnh tông lại san định khoa nghi Diệm Khẩu của ngài Thiên Cơ một lần nữa, soạn thành Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, đồng thời viết lời chú giải. Năm Khang Hy 32 (1693), ngài Đức Cơ ở núi Bảo Hoa lại biên tập khoa nghi do tổ Liên Trì soạn một lần nữa, đặt tên là Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Tập Yếu. Khoa nghi này thường được gọi là Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ngày nay, hai khoa nghi Diệm Khẩu được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Hoa là Thiên Cơ và Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ở Việt Nam, khoa nghi Trai Đàn Chẩn Tế do chư Tổ người Việt soạn, có các bước pháp sự gần giống với đàn Thủy Lục hơn Diệm Khẩu. [54] Lục số: một khái niệm dựa theo Dịch Học. Căn cứ theo Hà Đồ Lạc Thư, người ta chia ra Thiên Số và Địa Số. Địa Số gồm những số chẵn 2, 4, 6, 8, 10. Số 6 thuộc Âm, hào Âm cũng được gọi là hào Lục. Quẻ Khôn (tượng trưng cho đất, cho nữ giới) cũng thuộc về Âm. Phép Lục Số ở đây là nói đến chuyện coi ngày giờ chết để đoán định sự cát hung cho người thân còn đang sống. [55] Bài thơ Lục Nga (cỏ nga xanh mướt) trong phần Nhĩ Nhã của kinh Thi, có đoạn: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, phụ ngã súc ngã, trưởng ngã dục ngã, cố ngã phúc ngã, xuất nhập phúc ngã, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực”(Tạm dịch: Cha sanh ra ta, mẹ nuôi nấng ta, vỗ về chăm nom, quan tâm che chở, ra vào lo lắng, muốn báo ân đức, trời xanh thăm thẳm, khôn thấu cho cùng). Cổ nhân thường mượn bài thơ này để diễn tả nỗi lòng người con ngậm ngùi, hận chưa báo được ân cha mẹ. Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai