Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 54: [THƯ 54]: Trả lời thư cư sĩ Vưu Tích Âm ở Vô Tích

Cư sĩ vô ngã, thích được rèn giũa, nhưng mắc lỗi hiểu lầm ý Quang, nên đầu thư gọi Quang là “sư tôn”, không dùng bốn chữ “Ấn Quang pháp sư” khiến cho Ấn Quang và bản thân cư sĩ đều bất an. Ấn Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, xưng là “pháp sư” thì đã quá phận cùng cực rồi! Dẫu là xưng hô chung chung thông thường cũng chẳng thể không gọi như vậy. Nếu như không gọi tên, lại gọi là “sư tôn” thì quả thật đã mất đi cái đạo chánh danh giao hữu vậy; lần sau chớ dùng cách xưng hô sáo rỗng ấy. Còn như ký tên, cổ kim thông dụng, phàm với những người ngang hàng đều nên ghi như thế, chứ không phải chỉ đối trước bậc đáng tôn trọng mới dùng từ ngữ “hòa nam[32]đảnh lễ”v.v… Nay lễ giáo bị tước bỏ, phàm người nghiên cứu học Phật gởi thư cho tri thức đa phần hay dùng những câu như “chắp mười ngón tay kính cẩn thưa lên”,nhưng chẳng chịu kém cạnh tí nào.

Vua Vũ lạy và nhận lời nói hay, Tử Hạ mù mắt oán trời, bị Tăng Tử quở trách, còn quăng gậy lễ tạ. Người ngang hàng với mình có một lời dạy dỗ mình, đều phải cúi mình lễ tạ. Như nay đi tới chỗ ngõ rẽ, không thể quyết đoán [nên đi đường nào], muốn hỏi người ta còn phải chắp tay, huống chi muốn được giúp đỡ về đại sự liễu sanh tử lại dùng cung cách chào nhau ngoài đường để tiếp nhận thì là khinh pháp vậy! Khinh pháp sẽ chẳng thể được lợi ích thật sự nơi pháp. Xưa kia, Cổ Linh Tán thiền sư sau khi đại ngộ, muốn báo ân thầy thế độ bèn nhiều phen khơi gợi. Thầy Ngài lấy làm lạ, bảo hãy vì mình tuyên nói, Ngài bảo: “Nên bày pháp tọa”, bảo thầy đón mình lên tòa lễ bái, rồi mới nói sau. Thầy Ngài tuân theo, ngay trong lúc Ngài đang nói, vị thầy ấy bèn đại ngộ. Nếu Cổ Linh chẳng trọng pháp như thế, và vị thầy chẳng trọng người đắc pháp như thế, đừng bảo là không nói, dù có nói cũng chỉ là tri kiến văn tự mà thôi, quyết chẳng thể ngay trong một lời bèn minh bạch bổn tâm.

Sách Luận Ngữ nói: “Chẳng hạ thấp hơn người khác thật sâu, chẳng được lẽ chân”. Như Lai diệt độ, chỉ còn kinh tượng tồn tại. Nếu coi tượng bằng đất, gỗ, vàng, sơn vẽ v.v… là Phật thật sẽ diệt được nghiệp chướng, phá phiền hoặc, chứng tam-muội xuất sanh tử. Nếu coi là đất, gỗ, vàng, sơn vẽ v.v... thì chỉ là đất, gỗ, vàng, sơn vẽ mà thôi; khinh nhờn đất, gỗ, vàng, sơn vẽ thì không mắc lỗi gì. Nếu khinh nhờn tượng Phật bằng đất, gỗ, vàng sơn vẽ thì tội ngập trời. Đọc tụng kinh Phật, lời Tổ phải nghĩ Phật, Tổ đang hiện diện đích thân nói cho chúng ta, chẳng dám manh nha ý niệm lười nhác, coi thường. Tôi nói người làm được như thế ắt được vãng sanh, cao đăng phẩm vị, chứng ngộ triệt để Nhất Chân. Nếu không, bèn là đùa cợt với pháp môn, được lợi ích bất quá là thấy nhiều, biết nhiều, nói trơn tru, chẳng được thọ dụng thật sự mảy may gì, chỉ thành chuyện nghe lỏm nói mò!

Đối với Tam Bảo, cổ nhân luôn giữ lòng kính trọng thật sự, chẳng phù phiếm bàn xuông! Người bây giờ ngay một chữ “khuất” còn không nói được, huống gì thực hành? Xưa kia, Thanh Thế Tổ Chương Hoàng Đế (Thuận Trị) bái ngài Ngọc Lâm Thông Tú[33] thiền sư làm thầy, còn muốn xin được đặt cho một pháp danh. Ngài Thông Tú nói: “Đế vương cần gì phải dùng đến thứ này!” Vua không chịu, xin được đặt cho một cái tên xấu xí. Ngọc Lâm liền viết hơn mười chữ xấu xí cho nhà vua tự chọn, vua bèn chọn lấy chữ Si. Thiền phái ấy đến đời vua là chữ Hành, nên vua có pháp danh là Hành Si. Phàm mỗi khi vua viết thư cho đệ tử ngài Ngọc Lâm đều ký tên là “pháp đệ Hành Si hòa-nam”.Khai quốc hoàng đế còn tự khuất mình như thế. Nếu người đời nay suy xét, trước hết phải phạt tội, rồi mới vấn pháp thì mới hợp cách thức. Nếu không, dân thường không còn là dân thường, hoàng đế không còn là hoàng đế!

Đối với Phật học, Quang không đạt được điều gì, như kẻ mù đối trước ngũ sắc, như kẻ điếc nghe ngũ thanh, trọn chẳng biết tiếng như thế nào, màu sắc ra sao! Nhưng đối với phương diện chú trọng lòng kính, gìn giữ lòng thành, tôi nguyện dốc hết lòng ngu thành, để trọn vẹn cái lợi ích nhỏ nhoi đá nơi núi khác[34]. Đã là tâm giao hãy nên bỏ đi những trò phiền toái.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây