ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Ông gởi thư cho biết đang lễ kinh Pháp Hoa, nhiếp tâm niệm Phật, và muốn bớt lỗi nhưng chưa thể, toan dựa theo Công Quá Cách để thường ngày kiểm điểm. Đủ thấy gần đây ông siêng năng tu, đáng cho tôi học theo, chẳng như người đời nay chỉ muốn mua danh chuốc dự, dối mình lừa người mới cam. May mắn thay, may mắn thay! Lễ tụng trì niệm, các thứ tu trì đều phải lấy thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực thì công đức sẽ như trong kinh nói: “Dẫu thuộc địa vị phàm phu, tuy chưa thể viên đắc, nhưng sở đắc của người ấy đã khó thể nghĩ bàn”. Nếu không thành kính sẽ giống như diễn tuồng, khổ, sướng, buồn, vui đều là giả vờ, chẳng do nội tâm phát ra. Dẫu có công đức cũng chẳng thể vượt khỏi si phước trong nhân thiên mà thôi; nhưng ắt sẽ lại ỷ vào si phước ấy tạo ác nghiệp, cái khổ tương lai khi nào hết được? Hãy đem ý này bảo khắp bè bạn, ngõ hầu tu thì phải chân tu, hành thì phải thật hành, lợi ấy rộng khắp! Quy củ bái kinh [như ông] đã lập về Lý cố nhiên vô ngại, nhưng nếu luận về sự tướng, nếu lễ bái chung chung thì nên niệm Nam Mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, lễ xuống, tưởng bài kệ lễ kinh như sau: Chân không pháp tánh như hư không, Thường trụ pháp bảo nan tư nghị, Ngã thân ảnh hiện pháp bảo tiền. Nhất tâm như pháp quy mạng lễ (Tạm dịch: Chân không pháp tánh như hư không, Pháp bảo thường trụ khó nghĩ bàn, Thân con hiện bóng trước pháp bảo, Nhất tâm như pháp quy mạng lễ) Tưởng toàn bộ kinh văn phóng quang, và những vị Phật, Bồ Tát đã nói trong kinh đều phóng quang chiếu đến thân mình và pháp giới hữu tình. Nếu lễ từng chữ hãy niệm “nhất tâm đảnh lễ Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ…. Pháp Bảo”, lễ chữ nào niệm chữ đó, từ “như thị ngã văn” cho đến hết kinh đều niệm như vậy. Nhưng pháp quán tưởng thật chẳng phải là chuyện dễ. Nếu chẳng rõ thấu Lý và tâm thức rối loạn, rất có thể khởi lên các ma sự. Chỉ lấy chí thành cung kính làm chủ, quán được thì quán. Nếu không, cứ dốc cạn lòng thành đến cùng cực, cứ lễ thẳng ngay vào kinh thì cũng được công đức vô lượng. Như ông lập chương trình [lễ kinh] là đối trước kinh mà lạy, lạy xuống tưởng bài kệ, ngẩng lên lại niệm Phật, quán Phật thì chẳng bằng thờ kinh trước tượng Phật, chuyên lễ một đức A Di Đà Phật cho chuyên tinh nhất trí. Chớ bảo duyên tưởng một vị Phật công đức chẳng lớn bằng duyên tưởng nhiều vị Phật. Phải biết A Di Đà Phật là Pháp Giới Tạng Thân, một mình Phật A Di Đà có đủ toàn thể công đức của tất cả mười phương pháp giới chư Phật, như những hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế, ngàn hạt châu in bóng trong một hạt châu, một hạt châu trọn khắp ngàn hạt châu, nêu lên một mà thâu trọn tất cả, chẳng thiếu, chẳng thừa. Nếu là bậc đại sĩ tu hành đã lâu thì cảnh duyên rộng lớn chẳng ngại, cảnh càng rộng tâm càng chuyên nhất. Nếu là kẻ sơ tâm mạt học mà duyên cảnh rộng thì tâm thức phân tán, nhưng chướng sâu huệ cạn rất có thể khiến cho các ma sự khởi lên. Vì thế, đức Phật Thế Tôn ta và chư Tổ các đời đều dạy nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật là vì lý do này. Đợi đến khi nào niệm Phật chứng được tam-muội thì trăm ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa, thảy đều đầy đủ. Cổ nhân nói: “Đã tắm trong biển cả ắt dùng nước trăm sông. Thân đã đến điện Hàm Nguyên, cần gì hỏi Trường An chi nữa!” có thể nói là hình dung [ý này] khéo nhất. Còn như việc dứt ác tu thiện, cật lực kiểm điểm, xét mình thì tuy không gì hay hơn Công Quá Cách, nhưng nếu tâm chẳng lấy thành kính làm chủ, dẫu hằng ngày ghi công, chép tội cũng chỉ là viết xuông. Ở nơi đây, chưa có sách Công Quá Cách. Theo như tôi thấy, chỉ nên trọng lòng kính, giữ lòng thành, trong mười hai thời, chẳng có một niệm hư phù lười nhác, coi thường. Ứng xử với người đời chỉ giữ lòng trung hậu, khoan thứ thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, ác niệm chẳng thể khởi từ đâu được! Ví như túc nghiệp xui khiến, ngẫu nhiên phát sanh, nhưng luôn giữ lòng thành kính, trung hậu, khoan thứ, sẽ tự có thể vừa khởi niệm liền nhận biết, biết rồi liền mất, quyết chẳng đến nỗi phát sanh, nẩy nở khiến cả ba nghiệp phải xuôi theo nó. Sở dĩ tiểu nhân giả vờ làm thiện mà thật ra làm ác là vì nghĩ rằng người khác không biết mà mình biết, chẳng biết rằng những kẻ không biết chỉ là phàm phu thế gian đó thôi. Nếu là thánh nhân đắc đạo cố nhiên biết rành rẽ; chư thiên, quỷ thần tuy chưa đắc đạo nhưng do quả báo đắc Tha Tâm Thông cũng đều biết rõ ràng. Huống hồ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chư Phật: Tha Tâm đạo nhãn thấy trọn ba đời như nhìn lòng bàn tay ư! Muốn người khác không biết, chỉ có chính mình không làm mà thôi! Nếu tự mình biết thì thiên địa, quỷ thần, Phật, Bồ Tát v.v… không vị nào không biết, không thấy tất cả. Nếu biết nghĩa này thì dẫu ở trong nhà tối phòng kín cũng chẳng dám coi thường, biếng nhác. Dẫu nơi người ta không biết cũng chẳng dám manh nha ác niệm bởi thiên địa, quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát v.v… đều cùng biết. Dẫu là kẻ không biết hổ thẹn, biết được nghĩa này, cũng sẽ hổ thẹn vô ngần, huống gì bậc chân tu thực tiễn! Vì thế, muốn giảm bớt lỗi, trước hết phải khởi đầu từ chỗ sợ chư thánh phàm đều biết đều thấy. “Thấy tiên triết nơi canh, nơi tường, cẩn thận, dè dặt ngay cả với bóng áo”[59], vẫn chỉ là lời nói thiển cận ước theo tình kiến thế gian. Thật ra, tâm ta cùng mười phương pháp giới bản thể hợp nhau khít khao. Do ta mê nên cái biết bị hạn cuộc nơi một thân. Mười phương pháp giới thánh nhân triệt chứng Pháp Giới Tạng Tâm sẵn có nơi tự tâm, phàm hết thảy hữu tình trong pháp giới khởi tâm động niệm thì các ngài không gì chẳng tự biết, tự thấy. Vì cớ sao? Vì cùng bẩm thọ Chân Như, ta - người không hai. Nếu biết nghĩa này, ắt sẽ run sợ, kiêng dè, chú trọng lòng kính, gìn giữ lòng thành, thoạt đầu phải ra sức dứt vọng, lâu ngày không vọng nào có thể khởi được! (Ác niệm vốn thuộc vọng tưởng, nếu không giác chiếu sẽ thành ác thật sự. Nếu có thể giác chiếu thì vọng tưởng giảm, chân tâm hiện) Nam Mô A Di Đà Phật! ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO Ý kiến bạn đọc
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ