ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Chân cảnh có hạn lượng, do không biết hai chữ “chân cảnh” nên tính toán lầm lạc. Thế giới không đồng - dị, chỉ bậc đã viên chứng Tịch Quang mới thấy được như thế. Sanh tử và Niết Bàn cùng một nguồn, nhưng do mê - ngộ khác biệt nên mới có trói buộc và giải thoát sai khác. Chân và vọng vốn không hai thể, nhưng mê chân thành vọng, nên chỉ thấy được vọng, chẳng thấy được chân. Nếu hỏi vì sao thành ra như thế, xin hãy tự tham cứu nơi chính mình. Đến khi nào thấy ngay cả chính mình cũng chẳng thể được thì sẽ tự biết. Như người uống nước, lạnh - nóng tự hay. Nếu hướng về người khác hỏi han hòng biết rõ, dù người khác nói rất rành rẽ, cũng giống như nghe nói về bánh, chính mình làm sao biết được mùi vị, dứt cơn đói khát cho được? Toàn thể chân biến thành vọng, há hỏi bản thể của cái chân nếu có thì có ở chỗ nào? Nếu toàn thể vọng biến thành chân, há có thể hỏi tướng vọng vốn không, cái không ấy đi về đâu? Những kẻ hỏi như vậy chẳng gọi là người trí. Dẫu Phật ngữ như sấm, nhưng tâm đầy nghiệp chướng thì làm sao đây? Nếu thật sự thông đạt Nhất Thừa thì Tứ Đại đều mất bổn tánh, sáu căn thảy đều dùng lẫn cho nhau. Lý Thể như thế nói có vẻ dễ, chứng được thật khó. Xưa kia may ra còn có người chứng đắc, chứ hiện thời toàn là những kẻ ham cao chuộng xa, chẳng trọng thật tu, toàn là những kẻ hư vọng, vờ vịt bàn xằng Bát Nhã. Xin hãy đọc kỹ Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, cùng cầu vãng sanh với những vị Đẳng Giác Bồ Tát đã chứng ngang bằng với Phật, ấy chính là điều Quang tôi mong mỏi sâu xa. Nếu không, ai giữ chí nấy, chẳng cần phải thương lượng nữa! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất